Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày thể hiện sự yêu thương, kính trọng với những người phụ nữ thân yêu. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết về lịch sử hình thành ngày này.
Vậy lịch sử ngày 8/3 Quốc tế Phụ nữ như thế nào? Cùng Hoang Phuc International quay ngược thời gian để tìm hiểu chi tiết về ngày đặc biệt này qua bài viết.
Tóm tắt
Ngày 8/3 là gì?
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
Ngày 8/3 hàng năm được biết đến là Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày toàn thế giới tôn vinh giá trị của phái nữ trong toàn xã hội. Ngày này chính là cơ hội để chúng ta thể hiện sự yêu thương, trân trọng với người bà, người mẹ, người chị, người bạn và người em gái của mình.
Không chỉ thế, ngày 8/3 còn là cột mốc quan trọng đánh dấu bước tiến về văn hóa, tư tưởng về vị trí, vai trò của phụ nữ. Ẩn đằng sau ngày đặc biệt này là kết quả của sự tranh đấu hào hùng.
Lịch sử ngày 8/3 Quốc tế Phụ nữ
Ngày Quốc tế phụ nữ bắt nguồn từ phong trào đấu tranh của nữ công nhân ngành dệt vào thế kỷ 19 tại Mỹ. Trong giai đoạn này, chủ nghĩa tư bản phát triển, áp dụng nhiều chính sách bóc lột tàn nhẫn đối với phụ nữ và trẻ em.
Phản đối những chính sách này, vào ngày 08/3/1857, phong trào đấu tranh bùng nổ. Phong trào nhằm cải thiện điều kiện làm việc và bình đẳng cho phụ nữ. Sau đó hai năm, các nữ công nhân Hoa Kỳ thành lập công đoàn đầu tiên.
Cuộc biểu tình ngày 8/3/1908
Vào ngày 08/3/1908, một cuộc diễu hành quy mô lớn diễn ra. Cuộc diễu hành thu hút sự tham gia của 15.000 phụ nữ đòi tăng lương, giảm giờ làm việc và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc.
Ban đầu, Đảng Xã hội Hoa Kỳ tuyên bố ngày 28/2/1909 là Ngày Quốc tế Phụ nữ. Tuy nhiên, tại Hội nghị Phụ nữ do Quốc tế thứ 2 tổ chức, Chủ tịch Hội nghị là bà Clara Zetkin đã đề nghị chọn một ngày Quốc tế Phụ nữ để ghi nhớ công ơn của những người phụ nữ. Ngày 8/3 là ngày được chọn do đánh dấu nhiều cuộc đấu tranh mang ý nghĩa lịch sử do những người phụ nữ khởi xướng.
Ngày Quốc tế Phụ nữ còn được biết đến là ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”.
Sự kiện là mốc son quan trọng, đưa ngày 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ trên thế giới vì độc lập, dân chủ, hòa bình và hạnh phúc.
Tại Việt Nam, ngày 8/3/40 còn là ngày Khởi nghĩa Hai Bà Trưng bùng nổ. Cuộc khởi nghĩa khởi đầu cho phong trào đấu tranh chống ngoại xâm, được khởi xướng bởi hai nữ tướng là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Có thể thấy, dù Việt Nam hay thế giới, ngày 8/3 cũng luôn gắn liền với hình ảnh đấu tranh quật cường của phái nữ.
Khởi nghĩa Hai Bà Trưng 8/3/40
Ý nghĩa ngày Quốc tế Phụ nữ
Không chỉ là ngày thể hiện sự yêu thương, trân trọng đối với phái nữ, ngày 8/3 có nhiều ý nghĩa về mặt lịch sử, tư tưởng, chính trị, xã hội.
Lịch sử
Về mặt lịch sử, ngày 8/3 là ngày đánh dấu những cuộc đấu tranh của phụ nữ đòi quyền tự do, dân chủ, quyền bình đẳng giới cho phái nữ. Đồng thời, những sự kiện này đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh cho tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Tư tưởng
Các phong trào đấu tranh đều khởi phát từ những áp bức, bóc lột, phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em trong xã hội. Ấn định Ngày Quốc tế Phụ nữ không đơn giản là ngày tôn vinh phái nữ mà đó còn là bước tiến mới trong tư tưởng, nâng cao vị thế và vai trò của phụ nữ trong xã hội.
Các quốc gia chấp nhận Ngày Quốc tế Phụ nữ thể hiện bước đầu của sự tiến bộ trong hệ tư tưởng, thoát dần định kiến giới, những tư tưởng đậm chất bất bình đẳng giới.
Xã hội
Về mặt xã hội (theo nghĩa hẹp), ngày Quốc tế Phụ nữ là cơ hội để toàn xã hội thể hiện niềm yêu thương, trân trọng và tôn vinh người phụ nữ. Đây đồng thời cũng là ngày để dành sự quan tâm sâu sắc hơn, không chỉ bằng lời nói đối với phái nữ – những người còn chịu nhiều rào cản và thiệt thòi về cả vật chất, tinh thần.
Lịch sử ngày 8/3 Quốc tế Phụ nữ sau hơn 1 thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị. Ngày 8/3/ 2022, kỷ niệm 112 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ với chủ đề “Bình đẳng hôm nay vì một ngày mai bền vững” mong rằng sẽ tiếp tục mang đến những giá trị thiết thực.